Là di tích lịch sử - văn hóa, nhưng 6 năm nay, công trình Bạch Dinh nằm trên đường Trần Phú, TP. Vũng Tàu, lại bị đơn vị chủ quản là Bảo Tàng TP. Vũng Tàu chia nhỏ cho thuê, biến di tích này thành một “tổ hợp” quán nhậu và quán cà phê. Di tích oằn mình chịu trận Nằm tại vị trí đắc địa, ngay bãi trước Vũng Tàu, Bạch Dinh được người Pháp khởi công xây vào năm 1898, đến năm 1902 thì hoàn thành, với lối kiến trúc châu Âu, nằm bên sườn núi Lớn. Nơi đây từng được dùng làm nơi nghỉ mát cho Toàn quyền Đông Dương, Hoàng đế Bảo Đại và các đời Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Đặc biệt, đây cũng là nơi chính quyền thuộc địa Pháp giam lỏng vua Thành Thái từ năm 1907 đến năm 1916. Ngày nay, Bạch Dinh là một địa điểm tham quan của du khách khi đến Vũng Tàu. Với giá trị lịch sử như vậy, nhưng theo những người dân tại thành phố biển này, hơn 10 năm nay, Bạch Dinh bị chia nhỏ ra cho các quán cà phê và quán nhậu thuê kinh doanh. Ghi nhận của phóng viên tại đây, điểm mà 5 quán thuê đất của Bạch Dinh gồm quán nhậu Cô Nên, Cà phê Bạch Dinh, Cà phê Hoa Sứ, Cà phê Nhạc Sống, Cà phê Biển nằm tại mặt chân núi nơi cổng chính vào Bạch Dinh, sát mặt tiền đường hướng thẳng ra biển. Các quán được lợp tôn, bạt che lụp xụp, bàn ghế cũ tạo cảnh nhếch nhác bao quanh Bạch Dinh. Cùng với sự lụp xụp nhếch nhác đó, các quán này còn “tận dụng” lòng đường làm điểm để xe, nên di tích càng trở nên thảm hại. Một điểm đáng lo ngại là, để có đường vào quán, chủ quán đã phá tường bao để mở đường vào và để có mặt bằng kinh doanh, họ đã không ngần ngại cưa, chặt cây cối trong khuôn viên tạo khoảng trống phục vụ buôn bán. Ông Hoàng Văn Tuấn, người dân tại đây cho biết, từ ngày những quán này xuất hiện, các vụ lộn xộn, thậm chí là ẩu đả thường xảy ra, cùng với tiếng nhạc đinh tai nhức óc phát ra từ các quán cà phê đã phủ một không khí vô cùng uế tạp lên di tích lích sử - văn hóa này . “Với bề dày lịch sử như vậy, Bạch Dinh trở thành điểm du lịch nổi tiếng của Vũng Tàu, nhưng việc quản lý của Bảo Tàng Thành phố như vậy đã khiến lượng khách tới thăm Bạch Dinh ít dần. Tôi không biết, lợi nhuận thu được từ việc cho thuê đất của Bạch Dinh cao tới mức nào, mà cơ quản lý có thể quên đi việc thu hút khách du lịch tới Bạch Dinh”, ông Tuấn nói. Đại diện Sở Văn hóa - Thông tin Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, đây là chủ trương của tỉnh về việc cải tạo nâng cấp khu dịch vụ giải khát trên diện tích 2.555,41 m2 (diện tích tổng của Dinh là 6 ha). Những uẩn khúc xung quanh việc “xã hội hóa” Tìm hiểu vấn đề này, phóng viên Báo Đầu tư tới gặp ông Trần Văn Triêm, Phó giám đốc phụ trách bảo tàng (đơn vị phụ trách khai thác Bạch Dinh). Ông Triêm cho biết, việc cho thuê này nằm trong chương trình xã hội hóa bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hóa. Minh chứng cho việc “xẻ” đất di tích để xã hội hóa này, ông Triêm đưa ra các văn bản dẫn chứng, trong đó, tại Văn bản số 100/VHTT-VP (ngày 20/0/2008), Sở Văn hóa - Thông tin “cho phép Bảo tàng tỉnh được tận dụng mặt bằng dưới tán rừng già, cây bông sứ để khai thác dịch vụ cà phê giải khát. Nguồn thu được hạch toán theo Nghị định 43/2006NĐ-CP (ngày 25/4/2006)”. “Giá thuê tại đây là 28.000 đồng/m2 đất/tháng, số tiền mỗi năm mà 5 quán này phải nộp là gần 1 tỷ đồng. Đây là nguồn nộp vào ngân sách tỉnh”, ông Triêm cho biết. Cũng theo ông Triêm, tỉnh đã đồng ý cho Bảo tàng thực hiện cho thuê đất tại Bạch Dinh, trong Công văn số 4037/UBND-VP (ngày 29/6/2009), do ông Võ Thành Kỳ lúc đó là Phó chủ tịch UBND tỉnh ký nêu rõ “cho phép bảo tàng sử dụng triền núi thuộc khu vực II khu di tích Bạch Dinh vào việc tổ chức dịch vụ phục vụ khách thăm quan, nhưng không được làm ảnh hưởng đến kiến trúc và thiên nhiên cảnh quan môi trường. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch có trách nhiệm phối hợp với các ngành liên quan triển khai thực hiện trình tự, thủ tục theo đúng quy định pháp luật hiện hành”. Tuy nhiên, phải thấy rằng, văn bản này của tỉnh không chỉ đạo rõ việc bảo tàng được phép cho thuê đất tại đây khai thác dịch vụ ăn uống cho khách bên ngoài, mà chỉ cho phép khai thác dịch vụ ăn uống phục vụ khách thăm quan Bạch Dinh. Đối với việc khai thác dịch vụ ăn uống phục vụ khách thăm quan, thì ngay trong khuôn viên Dinh, Bảo tàng đã cho phép công đoàn ngành này được mở riêng một cửa hàng phục vụ ăn uống. Tuy nhiên, để thực hiện “xẻ” nhỏ Bạch Dinh cho thuê, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã làm một tờ trình số 424.QĐ.SVHTTDL ngày 5/9/2011 trình UBND tỉnh việc tổ chức đấu giá cho thuê 5 khu đất quanh Bạch Dinh. Lý do việc cho thuê là “huy động vốn khó khăn, không có kinh nghiệm pha chế, nhân sự không đảm bảo, cung ứng hàng hóa, vật tư không có người quản lý và giám sát sẽ dẫn đến thua lỗ và nguồn thu còn giúp Bảo Tàng có thêm kinh phí hoạt động”. Cũng cần phải lưu ý thêm về việc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã “vội vàng” thực hiện chỉ đạo của chính quyền địa phương, khi thời gian tiến hành các thủ tục việc đấu giá cho thuê chỉ diễn ra vẻn vẹn có 5 ngày. Kết quả là, mức giá cho thuê được ấn định là 28.000 đồng/m2/tháng, với thời gian thuê kéo dài 5 năm. Không bình luận về sự hấp tấp, vội vàng đó, song có khá nhiều điều tiếng trong dân về mức giá cho thuê đất tại Bạch Dinh. Rất nhiều người dân ở đây cho biết, với vị trí đắc địa, nằm đối diện với mặt biển, mà giá thuê chỉ có 28.000 đồng/m2/tháng là không hợp lý và cái giá thuê thực cao hơn đó rất nhiều. “Nhà tôi thuê mảnh đất gần đó làm quán với giá hơn trăm ngàn đồng/tháng/m2 mà tại bảo tàng lại chỉ cho thuê giá 28.000 đồng/m2/tháng là quá vô lý”, bà Nguyễn Thị Hoa, chủ cửa hàng hải sản gần Bảo tàng cho biết. Gia Huy - Báo Đầu tư