Với dụng cụ hành nghề là chiếc máy rà kim loại và xẻng, hơn 10 năm qua, Sang cứ men theo các bãi tắm Vũng Tàu tìm vàng của khách đánh rơi. Trưa một ngày đầu tháng sáu, trên bãi sau biển Vũng Tàu nắng chang chang, đông người tắm biển, khách du lịch dễ dàng nhìn thấy những người đàn ông mặc quần đùi, đội mũ, lưng vác máy rà kim loại, một tay cầm xẻng, tay cầm thiết bị rà kim loại vừa đi vừa khua trên mặt cát. Các anh cứ thế lẳng lặng đi, mắt dán xuống mặt cát. Nếu không tìm hiểu, ít ai biết các anh đang mưu sinh bằng nghề tìm nữ trang bị đánh rơi. Vốn sống bằng nghề làm thuê, ai có việc gì nhờ làm thì nhận, những lúc rảnh, thường là ngày cuối tuần, Sang lại cùng nhóm đồng nghiệp vác máy ra biển. Dụng cụ hành nghề được các anh trang bị là chiếc máy rà có thể tìm thấy những mảnh kim loại nằm dưới lớp cát khoảng 10 cm. Cứ có vật lạ, thiết bị trong máy lại rung lên đồng thời phát tiếng kêu. Mỗi lần như vậy, Sang lại dùng xẻng đào lên kiểm tra với hy vọng "tìm thấy được gì đó có giá trị". Hơn 10 năm làm nghề, Sang cho biết mình và các đồng nghiệp làm việc công khai và không hề bị cấm bởi anh không vi phạm pháp luật. "Chúng tôi chỉ tìm những thứ du khách bị rơi khi tắm biển chứ không hề trộm cắp của ai. Thấy tưởng dễ nhưng nhiêu khê lắm. Có khi đi bộ dọc bờ suốt vài tháng liền mới may mắn nhặt được chiếc bông tai nhỏ xíu. Làm nghề này chủ yếu là để kiếm thêm lúc rảnh chứ chẳng dễ dàng dàng gì", chàng thanh niên nói. Cùng làm nghề rà nữ trang của người tắm biển đánh rơi dọc theo đường Thùy Vân, Nguyễn - một thợ rà kim loại có gần 20 năm làm nghề - cho biết thành quả lao động thường là bông tai, dây chuyền hoặc nhẫn cưới. Tuy nhiên cũng như Sang, Nguyễn cho biết sống được nhờ nghề là không hề đơn giản. "Ngày xưa, khi du khách còn chủ quan mang vàng xuống tắm, có khi một tháng tìm được vài món, giờ ai cũng có ý thức nên rà vàng đúng như kiểu tìm kim đáy bể. Làm riết rồi quen, không đi lại nhớ chứ vài tháng không được gì là chuyện thường. Lần cuối cùng tôi tìm được một đoạn dây chuyền bị sóng đánh vào bờ nằm dưới cát đã cách đây 2 tháng. Bán chỉ được vài trăm nghìn đồng", anh này nói. Không chỉ tìm vàng rơi bị sóng đánh vào bờ mang đi bán, tại các bãi tắm ở Bình Thuận, Khánh Hòa, những người sống bằng nghề tìm vàng còn kiêm luôn dịch vụ tìm đồ rơi cho khách. Không treo biển thông báo dịch vụ, những người thợ nhận diện ra khách hàng mỗi khi thấy ai đó có vẻ như đang tìm kiếm tài sản bị rơi trên bờ cát. Giá tìm tính theo giờ, hoặc có khi khách hàng ghi lại số điện thoại, đến khi tìm thấy thì được gọi điện báo để chuộc. Từng bị mất tài sản khi tắm biển tại Nha Trang, anh Quân, một giám đốc một công ty hóa chất ở TP HCM, cho biết nhờ dịch vụ này mà anh may mắn tìm lại được chiếc nhẫn cưới. "Hôm đó khi tắm biển lên, tôi không còn thấy chiếc nhẫn đâu nữa. Đang lo lắng thì có một anh đến hỏi chuyện rồi giới thiệu một người luôn tìm vàng trên biển. Cứ tưởng đã mất chiếc nhẫn thiêng liêng của vợ chồng, 3 ngày sau tôi được báo chiếc nhẫn đã được tìm thấy. Người tìm được chỉ xin tôi tiền công 3 ngày là 300.000 đồng", vị du khách kể. Không chỉ mình anh Quân, chị Ngọc, một khách du lịch đến tắm biển tại Mũi Né (Bình Thuận), cũng cho biết nhờ có đội quân tìm vàng mà chị đã tìm lại được sợi dây chuyền kỷ niệm mà ông xã đã mua tặng. "Tôi chuộc lại với giá cao hơn giá trị của món nữ trang nhưng vẫn thấy vui bởi nếu không có các anh thì tôi đã mất món kỷ vật chỉ vì bất cẩn mang nó theo mình trong lúc xuống biển tắm", chị Ngọc nói. Không phải dễ kiếm sống, thế nhưng theo các "thợ săn vàng trên cát" tại bãi tắm Thùy Vân, niềm vui lớn nhất của các anh vẫn là tìm lại được cho người đánh rơi những kỷ vật mà họ làm rơi do bất cẩn. "Không thể không nhận tiền chuộc từ các nạn nhân, bởi chúng tôi còn phải kiếm cơm để sống, nhưng nhìn thấy họ vui mình cũng vui lây", Sang nói. Thiên Chương - ngoisao.net