Cách Sài Gòn không xa, Vũng Tàu là lựa chọn lý tưởng của nhiều bạn trẻ để du lịch cuối tuần. Các điểm đến nổi tiếng của thành phố biển này gần nửa thế kỷ trước có diện mạo ra sao. Toàn cảnh bãi Sau, một trong những bãi tắm chính của Vũng Tàu vào thập niên 1970. Ngày nay, khung cảnh con đường Thùy Vân chạy dọc theo bãi Sau với nhiều dãy nhà cao tầng, cơ sở dịch vụ du lịch hẳn đông vui, nhộn nhịp hơn rất nhiều so với cách đây gần nửa thế kỷ. Ảnh: Barry Connors. So với các bãi tắm khác của Vũng Tàu như bãi Trước, bãi Dâu, bãi Dứa... bãi Sau có một số lợi thế như bờ biển dài, thơ mộng, nước êm, ít ghềnh đá... Vì thế, trong quá khứ lẫn hiện tại, bãi Sau, hay còn gọi bãi Thùy Vân vẫn là lựa chọn ưu tiên của nhiều người. Ảnh: Barry Connors. Đoạn đường qua bãi Sau ở Vũng Tàu năm 1968. Khác với khung cảnh hoang sơ của gần 50 năm trước, hiện cung đường Hạ Long - Quang Trung - Trần Phú dẫn từ bãi Sau qua bãi Trước là một trong những tuyến đường sầm uất, đẹp nhất của thành phố biển này. Ảnh: Ron Golding. Khung cảnh bãi Trước ở Vũng Tàu năm 1967. Bãi tắm này còn có tên là bãi Tầm Dương, nghĩa là "đi tìm ánh Mặt Trời". Ảnh: Bruce Tremellen. Toàn cảnh Bạch Dinh và núi Nhỏ Vũng Tàu năm 1968. Núi Nhỏ còn gọi là núi Tao Phùng, nằm về phía nam trung tâm thành phố. Vào thời điểm này, đỉnh núi chưa có tượng Chúa Kitô Vua, điểm check-in nổi tiếng trên bản đồ du lịch Vũng Tàu hiện nay, từng xác lập kỷ lục châu Á năm 2012. Ảnh: Ron Golding. Bạch Dinh năm 1968. Qua những thăng trầm lịch sử, dinh thự màu trắng, ngói đỏ nổi bật này vẫn giữ nguyên nét kiến trúc châu Âu từ cuối thế kỷ 19. Hiện Bạch Dinh là một trong những điểm tham quan phổ biến của các tour du lịch Vũng Tàu. Ngoài vẻ đẹp hoài cổ của tòa nhà, rừng sứ ở Bạch Dinh cũng thường xuất hiện trong ảnh check-in của các bạn trẻ. Ảnh: Peter Edwards. Núi Lớn ở phía bắc trung tâm Vũng Tàu năm 1971. Có tên gọi khác là núi Tương Kỳ, núi Lớn cùng với núi Nhỏ được xem là những tấm bình phong quan trọng che chắn cho phố biển này. Ảnh: Mike Vogt Lối vào Thích Ca Phật Đài năm 1971. Nằm phía bắc chân núi Lớn, Thích Ca Phật Đài là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất ở Vũng Tàu, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Ảnh: Rod Allen. Được xếp hạng di tích quốc gia, Thích Ca Phật Đài là quần thể kiến trúc - điêu khắc độc đáo, tạo dựng theo sự tích cuộc đời Đức Phật Thích Ca, từ lúc Đức Phật đản sanh, xuất gia, thành đạo, đến lúc nhập cõi Niết Bàn. Trong ảnh là lối lên tượng Thích Ca Mâu Ni thành đạo tọa thiền cao hơn 10 m, công trình nổi bật nhất trong khuôn viên rợp bóng cây của chùa, chụp năm 1967. Ảnh: Bruce Tremellen. Đường phố Vũng Tàu những năm 1960-1970. Những bức ảnh cho thấy vào giữa thế kỷ trước, nhiều loại phương tiện như ôtô, xe đạp, xích lô, xe ngựa, xe lam, taxi... đã có mặt ở phố biển nổi tiếng này. Ảnh: Bob McEwan, Tom Twitty, Mike Vogt, Barry Connors. Trạm xăng Shell duy nhất ở Vũng Tàu năm 1968, nằm ở vị trí đường Lê Lợi hiện nay. Biểu tượng con sò với 2 màu vàng, đỏ đặc trưng của Shell từng rất phổ biến, quen thuộc một thời. Ảnh: Peter Edwards. Một góc khu trung tâm Vũng Tàu năm 1968. Góc trái ảnh là Nhiếp ảnh Tây Hồ, một hiệu ảnh lớn có tiếng lúc bấy giờ, nằm gần chợ Vũng Tàu xưa. Ảnh: Jeff Lander. Trong ảnh là cảnh mua bán tấp nập của chợ Vũng Tàu thập niên 70. Vị trí chợ hiện nay là quảng trường Trưng Vương, nằm giữa 2 đường Trưng Trắc và Trưng Nhị. Từ năm 1985, khu chợ truyền thống lớn nhất của TP Vũng Tàu được xây dựng ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Ảnh: Barry Connors. Một số nhà nghỉ, khách sạn ở khu vực đô thị trung tâm Vũng Tàu thập kỷ 60 của thế kỷ trước. Sau gần nửa thế kỷ, hiện thành phố biển này có hơn 1.500 cơ sở lưu trú du lịch. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2018, Vũng Tàu đón gần 3 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Ảnh: Tom Twitty, Bruce Tremellen, Barry Connors.