Bà Rịa - Vũng Tàu có một cái gì đó rất riêng mà níu kéo du khách. Tôi cảm nhận rõ nhất lý do khi con tàu cánh ngầm vừa cập bến. Không phải ngày lễ thì các bãi tắm Vũng Tàu cũng vắng lặng và dễ chịu. Nếu bạn không nghỉ lại những resort có bãi biển tư nhân (tuy không nhiều như Nha Trang, Phan Thiết) thì có thể đến tắm ở bãi Sau (Thùy Vân) là bãi công cộng phía đông thành phố. Không nhiều người tắm ở bãi Dâu và bãi Dứa vì địa hình nhỏ hẹp và sóng không đều, hay bãi Trước (Tầm Dương) do sau này đã biến thành nơi neo đậu tàu đánh cá nên không còn giữ được những mạch nước trong vắt như bãi Thùy Vân. Tầm Dương (tên cũ) nghĩa là tìm mặt trời. Khi hoàng hôn buông, hãy thong thả đạp xe đến eo biển lọt giữa núi Lớn và núi Nhỏ, vì chỉ ở vị trí này mới có thể ngắm cảnh ngoạn mục của mặt trời lặn. Bãi Trước giờ đã trở thành công viên bờ biển luôn đông đúc người. Trên bờ người già, trẻ nhỏ đi tập thể dục, dưới biển tấp nập thuyền bè trở về sau mỗi hải trình, tắm táp ở đó e cũng không tiện. Vậy nhưng những rặng dừa và vài chục bức tượng đá trắng nghệ thuật rải rác khắp công viên đã khiến bãi Trước sở hữu một cảnh quan tuyệt đẹp và tầm nhìn khoáng đạt đến tận chân trời. Ở đây, hễ có hỏi dân bản địa về nơi nào đáng để đi thì ai nấy đều chỉ về hướng tây, nơi có tượng Chúa Giê-su khổng lồ và Bạch Dinh. Bác xe ôm vui lòng ngồi nghỉ dưới bóng râm mát của những cây hoa sứ còn tôi đi vào bên trong, chân rón rén trên những bậc thang gác bằng gỗ. Trong biệt thự giờ này không còn ai, chỉ có những cổ vật trưng bày lặng lẽ trên giá. Dinh thự ba tầng nằm bên sườn núi Lớn, được xây dựng trong bốn năm trời kể từ 1898 do Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer phê chuẩn. Trong khi trước đó vùng đất này chỉ là một bãi lầy cho thuyền buôn nước ngoài neo đậu nên thành ra mới có tên Vũng Tàu. Trong 5 năm nhậm chức ở Đông Dương, Paul Doumer dẫu sao cũng đã để lại những cơ sở hạ tầng mà sau này ta vẫn sử dụng như cầu Long Biên, khiến Hà Nội trở thành thành phố đầu tiên ở châu Á có điện chiếu sáng và xây vô số đường sắt xuyên Đông Dương nhằm thuận tiện cho người Pháp thông thương và đi nghỉ dưỡng. Các biệt thự xa hoa cũng theo Paul Doumer mà mọc lên ở Đà Lạt, Sa Pa, Bà Nà... để phục vụ các quan Pháp. Vừa sang Việt Nam, Doumer đã cho xây dựng Bạch Dinh và tự đặt cho nó là Villa Blanche theo tên con gái mình, cũng có nghĩa là Dinh thự Mầu trắng. Bạch Dinh khánh thành, chưa kịp ở thì Paul Doumer đã hết nhiệm kỳ trở về nước. Năm 1907 đến 1916, Bạch Dinh trở thành nơi giam lỏng vua Thành Thái rồi lần lượt chuyển giao thành nơi nghỉ dưỡng của Toàn quyền Đông Dương, vua Bảo Đại và các đời tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Phòng ngủ của những chủ nhân ngôi biệt thự này nằm trên tầng ba, nơi đẹp nhất trong tòa nhà, với bộ tràng kỷ niên đại Khải Định và cặp ngà voi châu Phi ngạo nghễ trông ra biển. Sàn gỗ bóng loáng in những dấu chân xa hoa nhất vùng Trung - Nam qua hơn một thế kỷ. Ngày 4-8-1992, Bạch Dinh đã được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Giờ Bạch Dinh cũng đã trở thành bảo tàng, trưng bày đồ gốm cổ vớt từ những xác tàu đắm và súng thần công từ thủa nơi này còn là pháo đài Phước Thắng được vua Minh Mạng xây dựng để bảo vệ biển Cần Giờ. Di Li - Báo Nhân Dân