Thành phố biển Vũng Tàu nhìn từ trên cao thật bao la với bãi biển trải rộng, nhấp nhô những khối nhà, những con đường dốc duyên dáng phủ đầy hoa giấy rực rỡ. Nơi này không náo nhiệt như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, cũng không tĩnh lặng như Huế hay Hội An. Vũng Tàu có sức hấp dẫn rất riêng... Tôi khó có thể nhớ là đã đến thành phố biển xinh đẹp này lần đầu tiên vào khi nào và sau đó đã đến lại đây bao nhiêu lần, nhưng cứ mỗi lần đến tôi luôn có cảm giác lạ mà quen. Và như một thói quen, cứ về Vũng Tàu là tôi lại tìm tới các điểm cao để ngắm cái thành phố này cho bằng được. Cũng như tôi, nhiều người chọn một khách sạn ở Bãi Sau. Đây là một trong những địa điểm dừng chân lý tưởng cho du khách đến du lịch thành phố biển. Với địa thế thuận lợi gần bãi tắm lớn và các khu vui chơi, giải trí lý tưởng ở Vũng Tàu, những khách sạn ở Bãi Sau thích hợp là nơi nghỉ ngơi cho du khách vì bạn có thể đi bộ ra bãi tắm và đi dạo vào ban đêm. Chọn một phòng khách sạn trên cao ở khu trung tâm Bãi Sau, từ đó tôi có được góc nhìn lý tưởng và đặc biệt là được mặt trời đánh thức vào sớm tinh mơ, để tận hưởng buổi sáng nơi phố biển từ ban công. Vũng Tàu trên cao thật khác, không tin bạn hãy cứ thử một lần. Hai địa điểm mà theo tôi là lý tưởng nhất để ngắm toàn cảnh Vũng Tàu là ngọn hải đăng nằm ở độ cao 170m và tượng chúa Kitô (cả hai đều nằm trên núi Nhỏ). Con đường dẫn lên núi Hải đăng Vũng Tàu (xây dựng vào năm 1862 bởi người Pháp) được xếp vào hàng những ngọn hải đăng cổ xưa nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Hải đăng có ngọn tháp tròn, cao 18 m, được sơn trắng tinh tế nổi bật trên nền trời xanh, giữa những tán cây bao quanh. Đèn ở đỉnh tháp có công suất 500W, có thể chiếu xa đến 30 hải lý (khoảng 55km). Tán đèn có hai lỗ lớn nằm gần nhau, quay đều với tốc độ 5 vòng/phút. Tọa lạc tại một vị trí có phong cảnh thiên nhiên hữu tình, đứng từ đây, bạn có thể phóng tầm mắt ngắm toàn cảnh thành phố Vũng Tàu: biển và bờ biển, trung tâm thành phố, và có thể thấy những tòa tháp mới mọc lên, cũng như nhiều dự án bất động sản đang được triển khai ở đây… Nhưng để lên được ngọn hải đăng này, bạn sẽ men theo con đường uốn lượn dẫn lên núi Nhỏ (còn gọi là núi Tao Phùng). Nhưng chú ý là con đường nằm hơi khuất, rất nhỏ từ đường biển Hạ Long rẽ phải vào, gần đối diện bến tàu. Đây cũng là nơi tuyệt vời để ngắm cảnh bình minh và hoàng hôn trên biển. Ngọn hải đăng cũng là nơi hẹn hò của nhiều cặp đôi vì khung cảnh lãng mạn và những góc chụp hình cực kỳ ấn tượng. Từ ngọn hải đăng, di chuyển trở lại theo lối đi lên, xuống đường Hạ Long tôi đi qua khu vực tượng chúa giang tay (tượng chúa Kitô) cách đó không xa. Tượng chúa Kitô cao 32m, có sải tay dài 18,4m nằm trên đỉnh núi Tao Phùng. Tượng quay mặt về hướng Nam nhìn ra biển Đông, đôi tay dang rộng như đang che chở, bao bọc chúng sinh. Lên hết 133 bậc tam cấp từ cầu thang xoắn ốc đi từ chân tượng lên tới đỉnh tượng (trong lòng tượng) bạn sẽ ra đến bên vai và tay áo tượng. Đứng tại đây ta mới thấy được sự bao la của đại dương, sự mênh mông của đất trời và cảm giác con người thật bé nhỏ. Một điểm ấn tượng là bên trong tượng có thể chứa được 100 người cùng một lúc. Đây là một trong những địa điểm tham quan thu hút nhiều khách du lịch nhất ở Vũng Tàu đặc biệt là nơi nhiều Kito hữu đến cầu nguyện và xin ơn bình an. Theo con dốc quanh co dẫn lên ngọn hải đăng cũng là nơi tọa lạc của bảo tàng vũ khí cổ (hay Bảo tàng vũ khí toàn cầu - Worldwide Arms Museum). Ít ai nghĩ rằng ở một thành phố du lịch biển trong nước lại có thể sở hữu kho báu độc và lạ như vậy. Ấn tượng đầu tiên là ở đây có một khoảng sân rộng với tường bao như pháo đài kiên cố cùng tháp canh kiểu cổ điển phương Tây. Bên cạnh những khẩu pháo đặt trên tường bao, khắp sân còn có hơn hàng chục ụ pháo hướng nòng ra biển cả. Chừng đó là đủ tạo cảm giác cho du khách như đang tham quan một công trình kiến trúc cổ ở châu Âu. Bước vào bên trong, dù là người yêu thích khám phá bảo tàng hay chỉ đơn giản tò mò kho vũ khí cổ thì cũng không thể rời mắt khỏi những hiện vật được trưng bày tại đây. Với diện tích 300 m2, người ta có thể tận mắt nhìn thấy ở bảo tàng quân phục cùng vũ khí chiến đấu của quân đội các nơi trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Áo, Nga... qua nhiều thế kỷ. Đặc biệt, nơi đây còn có cả những khẩu thần công xách tay của các dân tộc phía Bắc Việt Nam thế kỷ 14-15. Leo lên núi Đức Mẹ (Bãi Dâu) ngắm cảnh biển sáng sớm cũng thật thú vị, tượng Đức Mẹ Bãi Dâu nằm trên sườn núi Núi Lớn cao 25m được xây dựng vào năm 1992 hướng ra vùng biển Vũng Tàu ở Bãi Dâu. Khuôn viên dưới chân núi cho đến tượng Đức Mẹ trên sườn núi là một công trình kiến trúc tôn giáo kì vĩ đã thu hút rất du khách nhiều nơi đến hành hương và tham quan. Bên cạnh việc là một địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, tượng Đức Mẹ Bãi Dâu còn là một địa thế tuyệt đẹp cho những ai muốn chiêm ngưỡng cảnh biển Vũng Tàu từ trên cao. Leo lên những bậc thang lớn, có chỗ dốc 45 độ, hai bên là bóng mát của cây rừng và những bức tượng 14 đàng thánh giá của Chúa Giê su, bạn sẽ đến đích là cây thánh giá lớn nhất nằm gần đỉnh Núi Lớn. Từ đây có thể phóng tầm mắt ra xa để ngắm cảnh biển ở Bãi Dâu dưới với biển xanh, cát trắng, nắng vàng. Đến Vũng Tàu, đừng bỏ qua món bánh khọt - một trong 12 món ăn Việt Nam được xác lập kỷ lục châu Á. So với nhiều món ăn cầu kỳ khác, bánh khọt dân dã, mang hương vị rất riêng của miền biển Vũng Tàu được nhiều người ưa thích, từ người dân đến khách thập phương và cả du khách quốc tế. Màu trắng của bột gạo quyện với vị béo thơm của mỡ hành, cộng với vị ngọt của tôm thật sự làm hài lòng thực khách. Nguyên liệu chính để làm món bánh này là bột gạo xay nhuyễn pha với nước dừa cùng nhiều thứ gia vị khác. Bánh được đổ trong khuôn nhỏ, đều tay để bánh giòn và ngọt. Chiếc bánh tròn nhỏ xinh màu trắng sữa, còn mặt kia thì vàng ruộm, ở giữa là nhân tôm tươi thơm ngào ngạt... Minh Duy - Báo Đại Đoàn Kết