Ngày đầu tiên khai trương (28-8), khu phố ẩm thực hay còn gọi là phố hàng rong tại lề đường Nguyễn Văn Chiêm (phường Bến Nghé, Quận 1, TP.Hồ Chí Minh) nhộn nhịp thực khách, các hộ kinh doanh bội thu. Điều này khẳng định 2 vấn đề: ăn uống vỉa hè là nhu cầu không thể thiếu của người tiêu dùng Việt Nam (thậm chí có cả một bộ phận du khách nước ngoài), và quy hoạch một khu vực bán hàng rong là việc làm cần thiết ở các đô thị, đặc biệt là đối với những thành phố du lịch. Sự thành công bước đầu của khu phố hàng rong ở TP. Hồ Chí Minh khiến nhiều người nghĩ đến TP.Vũng Tàu – nơi mà ý tưởng quy hoạch phố hàng rong đã từng được bàn thảo từ nhiều năm qua. Còn nhớ, cách đây khoảng 4 năm, Hiệp Hội du lịch phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh đã tổ chức cuộc hội thảo về phát triển du lịch ở TP. Vũng Tàu, trong đó vấn đề giải quyết vấn nạn hàng rong được nhiều đại biểu tích cực tham gia thảo luận. Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo TP. Vũng Tàu đã nhất trí với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch là sẽ xem xét thực hiện việc quy hoạch một khu phố hàng rong gom tất cả những hộ kinh doanh ăn uống, đồ mỹ nghệ, những xe hàng rong ở Bãi Trước, Bãi Sau và các khu du lịch tại TP. Vũng Tàu về một khu vực. Phố hàng rong không chỉ là địa điểm kinh doanh giải quyết nhu cầu mưu sinh cho một bộ phận người lao động thu nhập thấp, mà còn là một sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa người Việt. Ý tưởng rất hay. Thế nhưng, cho đến nay sau 4 năm trôi qua, TP. Vũng Tàu cũng chưa hình thành được một khu phố ẩm thực dù rằng đã có đôi lần thành phố xốc lại ý tưởng này và cũng đã tiến hành khảo sát một số tuyến đường dự kiến làm phố ẩm thực. Hai năm qua, TP. Vũng Tàu đã có những nỗ lực trong việc quy hoạch, cải tạo Bãi Sau, kết quả là hiện nay Bãi Sau đã thật sự thay da đổi thịt, không còn nhếch nhác, lộn xộn như trước. Đặc biệt là không còn tình trạng bán hàng rong, ăn uống trên bãi biển, dọc vỉa hè, công viên. Du khách đến Vũng Tàu ngày càng đông hơn. Tuy nhiên, để có được thành quả đáng trân trọng đó, thành phố đã bỏ không ít công sức, chi phí, thời gian để kiểm soát, ngăn chặn hàng rong tái phát. Và, đây đó cũng còn những tâm tư từ những phận đời lam lũ lâu nay đắp đổi qua ngày nhờ gánh hàng rong, nhờ xe hàng mỹ nghệ...Thế nên, ở một góc độ nào đó mang tính nhân văn, thành phố du lịch Vũng Tàu vẫn chưa thể giải quyết được hài hòa giữa lợi ích chung của xã hội và lợi ích của một bộ phận người lao động nghèo. Vậy nên, quy hoạch một phố hàng rong giống như TP. Hồ Chí Minh nên chăng cần được lãnh đạo TP. Vũng Tàu sớm đưa ra cân nhắc. Hẳn nhiên làm bất cứ việc gì cũng cần tính đến lợi ích kinh tế và xã hội. Phố hàng rong về mặt kinh tế có lẽ không cần phải bàn, bởi nó không mang lại nguồn thu đáng kể cho địa phương, và chắc chắn cũng không thể sánh bằng những khu du lịch 3 sao, 5 sao được đầu tư bằng nguồn vốn gấp hàng trăm ngàn lần. Đó là chưa kể Nhà nước còn phải tổ chức các hoạt động quản lý, vệ sinh, bảo vệ an ninh trật tự... trong khi phải miễn giảm tiền thuê mặt bằng và các dịch vụ khác. Tuy nhiên, về mặt văn hóa, nhân văn, giá trị của khu phố hàng rong là không thể đong đếm. Nó không chỉ là nơi giải quyết việc làm và nhu cầu mưu sinh cho hàng nghìn người lao động nghèo, mà còn là nơi thu hút không nhỏ lượng du khách. Bởi, khách du lịch rất đa dạng về đối tượng và sở thích. Có người có điều kiện kinh tế khá thích vào những nhà hàng sang trọng, nhưng bên cạnh đó đông đảo những người có thu nhập trung bình chọn những khu phố ẩm thực bình dân vừa rẻ tiền, vừa mang lại cảm giác gần gũi, tự nhiên. Và cũng không loại trừ những đối tượng du khách mặc dù tiền không thiếu, nhưng vẫn thích lân la quán vỉa hè thưởng thức những món ăn dân dã, đậm chất vùng miền, khám phá sâu hơn vùng đất mà họ đang đến...Phố ẩm thực, hay còn gọi là phố hàng rong vì thế vẫn có một vị trí rất riêng không thể thiếu trong lòng một đô thị du lịch như TP. Vũng Tàu. LAM PHƯƠNG Báo Bà Rịa - Vũng Tàu