I. Vị trí địa lý thành phố Vũng Tàu Thành phố Vũng Tàu nằm ở phía Nam tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, có 4 mặt giáp biển và sông rạch, phía Đông và phía Nam giáp Biển Đông, phía Tây giáp Vịnh Gành Rái, phía Bắc giáp thành phố Bà Rịa, huyện Tân Thành và huyện Long Điền, cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh đi theo hướng cao tốc Long Thành-TP Hồ Chí Minh là 100km và cách thành phố Biên Hoà 95km. Thành phố Vũng Tàu có diện tích đất tự nhiên là 14.442 ha, có 17 đơn vị hành chính cơ sở: 16 phường và 1 xã. Dân số thành phố tính đến đầu năm 2016 trên 327 ngàn người Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa và do chịu ảnh hưởng của biển, Vũng Tàu có khí hậu ôn hoà, ít gió bão, nhiệt độ trung bình từ 25oC đến 27oC, lượng mưa trung bình từ 1.300mm đến 1.700mm, có từ 2.300 đến 2.800 giờ nắng trong năm. Thiên nhiên thành phố Vũng Tàu tươi đẹp, kỳ thú đem lại tiềm năng lớn về du lịch. Tượng Chúa giang tay - Vũng Tàu II. Lịch sử hình thành và phát triển của Thành phố Vũng Tàu. Vũng Tàu được biết đến từ năm 1296 với tên gọi là trấn Chân Bồ. - Năm 1658 Chúa Nguyễn Phúc Tần đưa 2.000 quân đi chinh phục trấn Chân Bồ, lập 3 làng đầu tiên ở Vũng Tàu là Thắng Nhất, Thắng Nhì và Thắng Tam nên được gọi là Tam Thắng sau đổi thành Phước Thắng thuộc phủ Phước Tuy. - Năm 1775 tàu thuyền của Bồ Đào Nha và Pháp đã ra vào Vũng Tàu để buôn bán và người Pháp gọi Vũng Tàu là Cap Saint Jacques. - Năm 1859. 12 chiến hạm của Pháp nổ súng tấn công Phước Thắng mở đầu cuộc xâm lược của thực dân Pháp đối với nước ta. - Năm 1864 Pháp chia 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ thành 7 tiểu khu; Vũng Tàu thuộc tiểu khu Bà Rịa. - Năm 1895 Toàn quyền Đông Dương tách Vũng Tàu khỏi Bà Rịa để thành lập thành phố Vũng Tàu – Thành phố du lịch, nghỉ dưỡng đầu tiên của Việt Nam. -2 0/1/1899 Toàn quyền Đông Dương ra quyết định hợp nhất Bà Rịa với Vũng Tàu để thành lập một đơn vị hành chính mới mang tên Pháp : Cap Sainjacques và bắt đầu xây dựng con đường bộ nối Sài Gòn với Vũng Tàu. Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong khoảng thời gian từ 1895- 1900 Pháp đã xây dựng nhiều bến cảng, nhà máy nhiệt điện; đường dây điện tín và khách sạn cao cấp biến Vũng Tàu thành thành phố cảng, du lịch, nghỉ mát lớn nhất của Nam Bộ và trung tâm đánh bắt hải sản lớn. -5 /7/1928 Thống đốc Nam Kỳ tách Vũng Tàu khỏi Bà Rịa, hợp nhất với làng Long Sơn và tổng Cần Giờ để thành lập tỉnh Cap Sainjacques. - 28/8/1945 Nhân dân Vũng Tàu vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. - Tháng 12/1945 Xứ uỷ Nam Kỳ quyết định sáp nhập Vũng Tàu với tỉnh Bà Rịa. - 9/2/1948 Pháp quay lại chiếm Bà Rịa – Vũng Tàu. - 3/1/1957 Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà tái lập tỉnh Phước Tuy, trong đó Vũng Tàu là một quận. - Tháng 12/1960 Vũng Tàu thuộc tỉnh Bà Rịa – Long Khánh Bãi sau Vũng Tàu những năm 60 - 8/9/1964 Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà đổi quận Vũng Tàu thành thị xã Vũng Tàu. - 8/4/1975 Trung ương cục Miền Nam quyết định tách thị xã Vũng Tàu khỏi tỉnh Bà Rịa – Long Khánh để thành lập thành phố Vũng Tàu. - 30/4/1975 Thành phố Vũng Tàu hoàn toàn được giải phóng. - 01/1976 Thành phố Vũng Tàu đổi thành thị xã Vũng Tàu thuộc tỉnh Đồng Nai. - 3/5/1979 Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ra quyết định thành lập đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo trực thuộc Trung ương. - 3/6/1984 Liên doanh dầu khí Vietxopetro tìm thấy dòng dầu công nghiệp đầu tiên tại thềm lục địa Vũng Tàu – Côn Đảo. Vũng tàu trở thành trung tâm dầu khí quốc gia. - 26/3/1985 Hội đồng nhà nước trao tặng huân chương sao vàng cho nhân dân, chiến sỹ đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo vì đã có thành tích to lớn trong 40 năm chiến đấu chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. - 18/2/1991 Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá VIII ra nghị quyết thành lập tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và thành phố Vũng Tàu. - 30/10/1994 Chủ tịch nước tặng thưởng nhân dân và cán bộ thành phố Vũng Tàu huân chương lao động hạng III. - 28/8/1998 Chủ tịch nước tặng thưởng nhân dân và lực lượng vũ trang thành phố Vũng Tàu danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. - 16/9/1999 Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 186/ 1999/QĐ- TTg công nhận thành phố Vũng Tàu là đô thị loại II thuộc tỉnh và xác định thành phố Vũng Tàu là trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Trung tâm khai thác dầu khí, du lịch quốc gia; trung tâm giao dịch quốc tế có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế khu vực phía Nam tổ quốc. - 23/4/2013 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 612/QĐ-TTg công nhận thành phố Vũng Tàu là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngày 24/8/2013 thành phố Vũng Tàu đã tổ chức lễ công bố Quyết định công nhận thành phố Vũng Tàu là đô thị loại I. Một góc Côn ĐảoXác định đúng tiềm năng và lợi thế, trong những năm qua, thành phố đã tập trung đầu tư, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển các nghành kinh tế trọng điểm: - Khai thác, chế biến và dịch vụ dầu khí - Du lịch biển đảo - Đánh bắt, nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu hải sản - Cảng biển và dịch vụ hàng hải Bãi Trước Vũng Tàu ngày nay Thành phố cùng chú trọng đầu tư xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường và chỉnh trang đô thị nên diện mạo của thành phố ngày càng khang trang, hiện đại, Xanh - Sạch - Đẹp, có sức thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Là trung tâm dầu khí, trung tâm du lịch quốc gia thành phố Vũng Tàu có tầm quan trọng đặc biệt về an ninh, quốc phòng, nhất là việc bảo vệ giữ vững chủ quyền biển, đảo phía Nam Tổ quốc. Là thành phố nằm trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế khu vực phía Nam, là cửa ngõ thông thương ra biển của các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, là trung tâm kinh tế, du lịch, văn hoá, xã hội, khoa học, y tế, giáo dục của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, sự lãnh đạo trực tiếp của tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đảng bộ chính quyền và nhân dân thành phố Vũng Tàu đã liên tục phấn đấu và đã đạt được những thành tựu to lớn và toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng ký thuật, hạ tầng xã hội và chỉnh trang đô thị ngày một khang trang hiện đại. Theo BR-VT gov