Tái sử dụng chất thải để phục vụ sản xuất, tái chế chất thải thành các sản phẩm có ích là giải pháp được nhiều DN ứng dụng. Đây được coi là hướng đi mới của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong việc tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, mở ra triển vọng cho ngành công nghiệp sạch trong tương lai. BIẾN CHẤT THẢI THÀNH NĂNG LƯỢNG Thống kê của Sở TN-MT và Sở KH-CN, tỉnh BR-VT hiện có khoảng 10 DN ứng dụng - vận hành hiệu quả việc tái tạo năng lượng từ chất thải trong đó đáng chú ý là Công ty TNHH Hà Lộc, Công ty TNHH MTV Giấy Sài Gòn – Mỹ Xuân, Công ty TNHH sản xuất thương mại Đại Nam; Công ty CP năng lượng tái tạo DVA… Các nhà máy này đều có chung một mục tiêu là tái chế các chất thải thành năng lượng cung cấp cho các lò đốt công nghiệp, các nhà máy điện, thép, xi măng… Ngoài ra, các chất thải sau khi tái chế còn trở thành những sản phẩm hữu ích như giấy công nghiệp, phân bón hữu cơ. Ông Phạm Minh Hùng, Giám đốc dịch vụ kỹ thuật Công ty CP giấy Sài Gòn cho biết, Nhà máy giấy Sài Gòn – Mỹ (tại KCN Mỹ Xuân A, huyện Tân Thành) hiện đang sử dụng hệ thống chuẩn bị bột do Công ty CP giấy Sài Gòn đầu tư với công suất 800 tấn/ngày. Đây là công nghệ tái chế mới nhất của Tập đoàn Mỹ Kadant Lamort (chi nhánh tại Pháp), có thể tái chế hầu hết tất cả các loại giấy đã qua sử dụng nhưng vẫn đảm bảo cung cấp các loại bột giấy đạt tiêu chuẩn chất lượng và tiêu chuẩn an toàn của châu Âu, đồng thời giúp tiết giảm lượng nước tiêu thụ vượt trội. Qua đó tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu giấy vụn trong nước bảo vệ môi trường, và góp phần bảo vệ tài nguyên rừng quý giá đang ngày càng cạn kiệt. Các hệ thống này cho phép tái sử dụng tối đa xơ sợi bột, giảm thiếu các chất thải cần xử lý và tăng hiệu quả tái chế 10 – 20% so với công nghệ cũ. Về hoạt động tái chế chất thải, các nhà máy trên địa bàn đã ứng dụng công nghệ xử lý phù hợp với thực tế chất thải phát sinh từ hoạt động của ngành thép, chất thải lỏng sinh hoạt. Cụ thể, việc thu gom và xử lý chất thải lỏng sinh hoạt của Công ty TNHH sản xuất thương mại Đại Nam (xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành) với đầu ra là phân vi sinh phục vụ cho ngành nông nghiệp. Ông Trần Ngọc Nam, Tổng Giám đốc công ty cho biết, nhà máy xử lý chất thải lỏng sinh hoạt có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý nguồn chất thải là phế phụ phẩm của các nhà máy chế biến hải sản, bùn sinh khối, bã bùn mật mía, chất thải gia súc và gia cầm, chất thải lỏng sinh hoạt… Tất cả nguồn nguyên liệu này được đội xe chuyên dụng có công suất lên đến 300m3/ ngày thu gom và vận chuyển về xử lý. Nguồn nguyên liệu sau xử lý ở Nhà máy xử lý chất thải thứ nhất là nguồn nguyên liệu chính và được tiếp tục xử lý lên men một lần nữa với tập đoàn vi sinh khoảng 80-120 loài. Đến thời điểm hiện nay mỗi ngày nhà máy sản xuất phân bón Ong Biển cho ra 300-500 tấn/ngày phân bón hữu cơ cung cấp cho thị trường nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ, Quảng Trị, Nghệ An… SẼ CÒN NHIỀU DỰ ÁN TÁI CHẾ Tại khu xử lý chất thải tập trung 100ha xã Tóc Tiên (huyện Tân Thành), Nhà máy xử lý công nghiệp, dầu khí và chất thải nguy hại Hùng Mạnh Dũng được xây dựng trên diện tích 1,5ha với tổng kinh phí đầu tư ban đầu hơn 50 tỷ đồng. Ông Nguyễn Hữu Danh, Giám đốc Công ty TNHH – Thương mại dịch vụ Hùng Mạnh Dũng cho biết, nhà máy có công suất xử lý 23.000 tấn chất thải/năm với 12 công nghệ xử lý chất thải hiện đại trong đó có 2 lò đốt chất thải (công suất 1 tấn/giờ/lò); 1 hệ thống tái chế dầu thải bằng phương pháp hóa lý công suất 1,5 tấn/ngày; 2 hệ thống xử lý dầu thải bằng phương pháp chưng cất (công suất mỗi hệ thống 5 tấn/ngày)… Sản phẩm đầu ra của công ty là dầu FO cung cấp cho các lò đốt công nghiệp, các nhà máy điện, thép, xi măng… Cũng nằm trong khu xử lý chất thải 100ha xã Tóc Tiên, năm 2016, Công ty CP tái tạo năng lượng DVA đã đầu tư dây chuyền, công nghệ nhiệt phân cao su phế thải để thu hồi dầu đốt lò FO-R. Mỗi tháng nhà máy xử lý khoảng 2.400 tấn cao su thải để cung cấp ra thị trường hơn 1.000 tấn dầu đốt FO-R và 1.000 tấn Carbon đen.. Công ty ứng dụng công nghệ nhiệt phân để tái chế lốp xe đã qua sử dụng thành những sản phẩm có giá trị cao như: Dầu đốt lò, than Carbon và dây thép được tách từ lốp xe. Ông Nguyễn Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP năng lượng tái tạo DVA cho biết, hiện DVA đang đầu tư nhà máy thứ hai là DVA – Phú Mỹ công suất mỗi năm là 100.000 tấn dầu FO-R, 100.000 tấn than Carbon và 10.000 tấn sợi thép. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 4 ha nằm tại KCN Phú Mỹ 1, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2018. Ngoài các dự án tái chế đã đi vào hoạt động, BR-VT cũng đang có chủ trương cho Công ty Zincox Resources PLC (Vương quốc Anh) đầu tư 115 triệu đô la Mỹ để xây nhà máy xử lý bụi lò hồ quang thải ra từ các nhà máy thép ở Bà Rịa – Vũng Tàu xử lý bụi thép công suất 100.000 tấn/năm. Theo đại diện Công ty Zincox Resources PLC, giống như các cơ sở tái chế bụi lò hồ quang điện khác trên thế giới, sản phẩm đầu ra của nhà máy xử lý bụi của Zincox Resources PLC tại BR-VT là oxide kẽm có độ tinh khiết cao có thể sử dụng trực tiếp cho các ngành công nghiệp sản xuất cao su và gốm sứ. Theo ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT, đã đến lúc phải thay đổi quan điểm và cách nhìn về chất thải và tái chế chất thải. Theo đó tái chế là nội dung trọng tâm và không thể tách rời trong chiến lược quản lý tổng hợp chất thải rắn và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp môi trường của tỉnh. Công nghệ tái chế chất thải cần được ưu tiên phát triển theo xu thế hướng đến việc quay vòng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên. Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển các DN tái chế lớn, dịch chuyển dần các cơ sở quy mô nhỏ theo hướng chính quy hóa. DN và cơ sở nghiên cứu cần liên kết chặt chẽ nhằm khai thác thế mạnh của từng bên trên cơ sở giám sát của nhà nước. Bài, ảnh: Yến Nhi baotainguyenmoitruong.vn